Freelancer được dự đoán sẽ là lực lượng lao động chủ yếu trong tương lai. Vậy, doanh nghiệp có nên tuyển dụng Freelancer hay không? Hãy cùng Viecmarketing so sánh ưu – nhược điểm và đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhé.
Ưu điểm khi tuyển dụng Freelancer
Với hình thức Freelancer, doanh nghiệp có thể nhận được một số lợi ích như sau:
Chất lượng công việc cao hơn
Freelancer thường là những người có chuyên môn cao về một lĩnh vực nào đó mà họ đang làm việc. Do đó, khi tuyển dụng Freelancer, doanh nghiệp có thể nhận lại được chất lượng công việc cao hơn với mức chi phí phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, các bạn Freelancer cũng có khả năng tự điều hành công việc của mình. Điều này giúp họ có thể thoải mái và hạnh phúc hơn khi làm việc. Từ đó cũng giúp công việc của họ có hiệu quả cao hơn so với nhân viên chính thức.
Tiết kiệm chi phí vận hành
Chi phí vận hành của doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm đáng kể khi lựa chọn tuyển dụng Freelancer. Ví dụ như những loại chi phí sau:
Chi phí phúc lợi: Mối quan hệ giữa Freelancer và doanh nghiệp là mối quan hệ mua – bán. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ cần chi trả mức thù lao phù hợp với thỏa thuận mà không cần chịu trách nhiệm về chi phí phúc lợi cho đội ngũ lao động này.
Chi phí cung cấp máy móc: Freelancer sẽ tự chuẩn bị công cụ, máy móc cần thiết của họ khi làm việc online tại nhà. Vì vậy, doanh nghiệp cũng có thể tiết kiệm được khoản chi phí này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không cần chi trả phí thuê không gian làm việc, điện, nước,… cho đội ngũ Freelancer.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng Freelancer cũng giúp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến xử lý hồ sơ, giấy tờ, trách nhiệm như với các nhân viên chính thức khác. Hầu hết Freelancer sẽ là những người chuẩn bị hợp đồng, hồ sơ cần thiết khi hợp tác.
Tìm hiểu thêm: Mức thu nhập của công việc Content Freelance là bao nhiêu?
Kết nối được nhiều nhân tài hơn
Khi lựa chọn tuyển dụng Freelancer, doanh nghiệp sẽ có cơ hội kết nối với nhiều nhân tài hơn ở phạm vi toàn cầu. Điều này khắc phục được hạn chế yếu tố khu vực so với nhân viên chính thức. Từ đó, doanh nghiệp có thể tìm kiếm, kết nối được với những nhân sự giỏi, giúp đạt hiệu quả tốt hơn.
Không tốn nhiều thời gian giám sát
Các Freelancer thường có khả năng làm việc độc lập rất tốt. Doanh nghiệp chỉ cần đưa ra yêu cầu, kết quả và thời gian hoàn thành mong muốn, Freelancer sẽ thực hiện đúng deadline. Điều này giúp doanh nghiệp không cần tốn quá nhiều thời gian để giám sát, quản lý Freelancer như đội ngũ nhân viên chính thức.
Nhược điểm khi tuyển dụng Freelancer
Tuy có nhiều lợi ích như trên, nhưng việc tuyển dụng Freelancer cũng đi kèm với một số nhược điểm, rủi ro như sau:
Mức độ trung thành không cao
Freelancer thường làm việc độc lập và họ có thể nhận nhiều dự án cùng một lúc. Bên cạnh đó, họ cũng không nhận được những yếu tố phúc lợi như các nhân sự khác. Vì vậy, Freelancer có thể rời bỏ doanh nghiệp và tìm kiếm những dự án với lợi nhuận cao hơn bất kỳ lúc nào.
Doanh nghiệp có ít quyền lợi hơn
Như đã nói ở trên, mối quan hệ của doanh nghiệp và Freelancer là sự mua – bán dựa trên lợi ích. Tuy doanh nghiệp có thể sẽ là người đưa ra yêu cầu, nguyên tắc,… nhưng Freelancer có thể tự chủ công việc của họ. Doanh nghiệp không có quyền ép buộc và quản lý họ quá nhiều như đối với nhân viên chính thức của mình.
Freelancer có thể biến mất
Không ít trường hợp doanh nghiệp bắt gặp các Freelancer không có uy tín và họ có thể biến mất mà không báo trước. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, kế hoạch của doanh nghiệp. Vì vậy, trước khi tuyển dụng Freelancer, bạn cần lưu ý kiểm tra về uy tín của họ.
Hạn chế tính thống nhất
Khi hợp tác với Freelancer, bạn cần chấp nhận rằng họ sẽ không thể hiểu ngay hoặc hiểu sâu về sản phẩm của bạn. Đặc biệt nếu chỉ hợp tác cùng họ trong thời gian ngắn. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến sự thống nhất trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Nên tuyển dụng Freelancer khi nào?
Tuy vẫn tồn tại những hạn chế nhất định, nhưng việc tuyển dụng Freelancer nếu HR biết vận dụng hợp lý vẫn sẽ mang lại kết quả tốt cho doanh nghiệp. Tuy vậy, bạn chỉ nên hợp tác với đội ngũ Freelancer trong những trường hợp sau:
- Bạn có một công việc, nhiệm vụ phát sinh không thường xuyên.
- Đang thiếu hụt nguồn nhân sự toàn thời gian tại doanh nghiệp.
- Đội ngũ nhân viên chính thức có trình độ chuyên môn tạm thời chưa đáp ứng được mong muốn về hiệu quả công việc.
- Cần có góc nhìn, sự đánh giá của chuyên gia ở góc độ mới hơn về một vấn đề nào đó.
Trên đây là so sánh về ưu – nhược điểm về vấn đề tuyển dụng Freelancer. Hy vọng với những thông tin chia sẻ kinh nghiệm này, bạn sẽ đưa ra được quyết định tuyển dụng hay không. Bên cạnh đó, đừng quên truy cập vào TopCV để có thể trải nghiệm đăng tin tuyển dụng, tìm kiếm nhân sự miễn phí ngay từ hôm nay nhé.
Có thể bạn quan tâm: