Segmentation là gì? Trong marketing có các loại market segmentation chính nào? Mục đích của việc phân chia segmentation là gì? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết sau của Viecmarketing.com.
Segmentation là gì?
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu segmentation là gì. Segmentation, (Segment, hay Market Segmentation) hiểu nôm na là phân khúc thị trường. Trong kinh doanh, đặc biệt là trong marketing, người ta thường thực hiện phân chia thị trường thành nhiều phân khúc khác nhau. Mỗi phân khúc sẽ có những đặc điểm, tính chất, vấn đề riêng biệt. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược marketing cụ thể, nhắm đúng đặc điểm của từng phân khúc hơn.
Trong segmentation có một số loại phân khúc con như:
- Sub Segmentation: Là phân khúc phụ, chỉ nhóm khách hàng ít tiềm năng của doanh nghiệp. Họ có nhu cầu hơi khác biệt và tần suất mua hàng không cao. Tuy nhiên, đây là nhóm vẫn mang về doanh thu. Hoặc là nhóm mà doanh nghiệp đang muốn tiếp cận mở rộng bên nhóm khách hàng chính.
- Micro Segment: Phân khúc hẹp hay phân khúc thị trường ngách. Những khách hàng thuộc phân khúc này có số lượng rất nhỏ nhưng sở hữu những thói quen, nhu cầu rất riêng biệt.
- Business Segment: Các phân khúc kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ các lĩnh vực kinh doanh hoặc dòng sản phẩm/dịch vụ khác biệt với lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp.
>> Tìm hiểu thêm: Phân Khúc Thị Trường Là Gì? Các Phân Khúc Thị Trường Phổ Biến
Vai trò của Segmentation là gì?
Hiểu được segmentation là gì, có lẽ bạn cũng đã nhận ra tầm quan trọng của việc phân chia segmentation trong marketing. Đây là một trong những hoạt động không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược quảng cáo nào bởi nó đóng vai trò:
Làm rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp
Vai trò đầu tiên phải kể đến của việc phân chia segmentation là giúp doanh nghiệp thấy rõ mình đang làm marketing cho ai? Họ đang gặp phải vấn đề gì? Họ có thói quen, sở thích như thế nào?
Một doanh nghiệp chắc chắn sẽ khó có thể cung cấp sản phẩm/dịch vụ làm hài lòng tất cả đối tượng khách hàng trên thị trường. Bạn phải nhìn rõ được đối tượng mình đang hướng đến là ai thì mới có thể vạch ra những chiến lược tiếp thị phù hợp.
>> Tìm hiểu thêm: Chân Dung Khách Hàng Là Gì? Các Bước Xác Định Chân Dung Khách Hàng
Tối ưu hóa nguồn lực marketing cho doanh nghiệp
Nguồn lực marketing bao gồm: Nhân sự, chi phí, thời gian, v.vv. Market segmentation giúp doanh nghiệp biết chính xác đâu là đối tượng cần tập trung khai thác. Đối tượng đó có đặc điểm, thói quen, nhu cầu ra sao? Từ đó dồn ngân sách và thời gian cho phân khúc mà họ đang muốn hướng đến.
Tối ưu hoạt động xây dựng thương hiệu
Việc tập trung cho một hoặc một số phân khúc khách hàng nhất định sẽ khiến doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh rõ nét hơn trong mắt người tiêu dùng. Thay vì cung cấp sản phẩm và dịch vụ một cách tràn lan nhưng không hiệu quả, khi tập trung vào một phân khúc nhất định, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ gắn với người tiêu dùng thuộc phân khúc đó.
Chẳng hạn nếu tập trung khai thác phân khúc khách hàng là học sinh, sinh viên, thương hiệu của bạn sẽ hướng đến sự trẻ trung, năng động, giá thành thấp. Như vậy, khi nhắc đến doanh nghiệp của bạn, khách hàng sẽ hình dung ra ngay tính chất sản phẩm họ sẽ được cung cấp.
Củng cố lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu
Khi đào sâu tìm hiểu về đối tượng khách hàng trong một vài phân khúc cụ thể, doanh nghiệp sẽ thấu hiểu khách hàng hơn. Từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Vì vậy mà mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp ngày càng bền chặt hơn.
Nâng cao khả năng khác biệt hóa của thương hiệu
Vai trò cuối cùng phải kể đến của segmentation là gì? Đó là khả năng khiến thương hiệu của bạn trở nên khác biệt.
Chẳng hạn cùng xây dựng thương hiệu hướng đến học sinh, sinh viên, nhưng nếu bạn có góc nhìn khác, cách phân chia thị trường ngách khác, bạn cũng sẽ có hướng marketing riêng biệt. Điều đó khiến bạn thu hút được một tệp khách hàng trung thành vì bạn giải quyết được chính xác nhu cầu của họ. Hơn nữa, thị trường ngách cũng có ít sự cạnh tranh hơn các thị trường lớn.
>> Tìm hiểu thêm: Định Vị Sản Phẩm Là Gì? Làm Sao Để Định Vị Sản Phẩm Hiệu Quả
Các loại Market Segmentation trong Marketing
Như vậy bạn đã hiểu rõ khái niệm và vai trò của segmentation là gì. Ở phần này, Viecmarketing.com sẽ giới thiệu đến bạn 6 loại market segmentation chính và vai trò của từng loại.
Phân khúc nhân khẩu học (Demographic Segmentation)
Đây là cách thức chia phân khúc khách hàng phổ biến nhất. Khách hàng sẽ được phân loại theo các tiêu chí như: Tuổi tác, giới tính, dân tộc, trình độ học vấn, nghề nghiệp, mức thu nhập, v.vv.
Thông thường các yếu tố nhân khẩu học sẽ là cơ sở chi phối đến hành vi mua hàng của tất cả các đối tượng. Dữ liệu nhân khẩu học sẽ giúp doanh nghiệp xác định được quy mô của thị trường, nắm bắt được cách mà xã hội đang thay đổi để tìm cách thích nghi. Thông tin về các yếu tố này cũng khá dễ thu thập. Vì vậy hầu hết các doanh nghiệp trên thị trường đều đang sử dụng phương pháp này.
>> Tìm hiểu thêm: 5 Tips Xác Định Và Tiếp Cận Khách Hàng Tiềm Năng
Phân khúc theo hành vi (Behavioral Segmentation)
Như bạn đã biết, mỗi khách hàng sẽ có những thói quen mua sắm khác nhau. Doanh nghiệp có thể dựa vào hai yếu tố để thu thập thông tin hành vi mua sắm của khách hàng:
- Một là dữ liệu hành trình mua sắm.
- Hai là cách khách hàng từng tương tác với sản phẩm.
Vai trò của loại segmentation này là gì? Đó là cung cấp dữ liệu cho việc dự đoán hành động mua sắm của khách hàng trong tương lai. Khi đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng cải thiện các khâu trong quá trình bán hàng để thuận tiện hơn với người dùng. Chẳng hạn khách hàng trẻ tuổi thường thanh toán qua e-banking còn khách hàng trung niên vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt.
Phân khúc theo địa lý (Geographics Segmentation)
Chia khách hàng theo yếu tố địa lý có vai trò rất lớn đối với doanh nghiệp. Bởi quyết định mua hàng sẽ không chỉ phụ thuộc vào suy nghĩ chủ quan của người mua. Nó còn bị chi phối nhiều bởi môi trường xung quanh (như văn hóa, thói quen, đặc điểm sinh hoạt, mức sống của từng địa phương).
Có một số cách thường áp dụng để chia khách hàng theo hình thức này, chẳng hạn:
- Nơi khách hàng sinh ra và lớn lên
- Nơi khách hàng đang sinh sống
- Nơi khách hàng làm việc, v.vv.
Mục đích của việc chia phân khúc khách hàng theo cách này là để trả lời cho các câu hỏi sau:
- Những khách hàng ở các khu vực nào thì có nhu cầu mua sắm các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp?
- Đối với khu vực A nên đưa ra chiến lược tiếp thị như thế nào để thu hút được tối đa người quan tâm?
- Có nên mở rộng phát triển sản phẩm về khu vực B hay không?
- Khu vực C đã có những thay đổi ra sao, cần cải thiện chiến lược tiếp thị như thế nào để chiếm lại thị phần?
Phân khúc theo sở thích (Interests Segmentation)
Interests segmentation là gì? Hiểu đơn giản đây là cách phân loại khách hàng theo những sở thích khác nhau. Kiểu phân loại này có nhiều cách tiếp cận như:
- Thứ nhất, với cùng một dòng sản phẩm, mỗi khách hàng sẽ có một cảm nhận riêng. Chẳng hạn trong thực phẩm, có nhóm khách hàng thích sản phẩm ngọt hơn, có nhóm thích giảm ngọt. Khi phân tích sở thích của từng nhóm người, bạn có thể cho ra dòng sản phẩm mới để đáp ứng sở thích của nhiều nhóm khách hàng. Hoặc chỉ tập trung điều chỉnh sản phẩm hiện tại cho phù hợp với một nhóm duy nhất.
- Thứ hai, nhiều nghiên cứu cho rằng những người có cùng sở thích sẽ có xu hướng tiêu dùng giống nhau. Ví dụ những người thích mua xe thì cũng thích mua đồng hồ. Dựa vào đó, bạn có thể phát triển thêm các sản phẩm hoặc mở các chương trình quảng cáo thu hút khách hàng.
>> Tìm hiểu thêm: Impressions Là Gì? Tầm Quan Trọng Của Impression Trong Marketing
Phân khúc theo tâm lý học (Psychographics Segmentation)
Đây là cách tiếp cận phân khúc khách hàng khó nhất nên ít được sử dụng hơn các phương pháp trên. Psychographics Segmentation phân loại người tiêu dùng dựa trên các yếu tố: Tính cách, quan điểm, thói quen sống, động cơ cá nhân. Chẳng hạn, những người có quan điểm bảo vệ môi trường sẽ thường ưu tiên các sản phẩm “xanh”.
Dựa trên dữ liệu phân khúc này, doanh nghiệp có thể theo dõi, đón đầu xu hướng và cho ra những chiến dịch quảng cáo độc đáo hơn. Nếu là người đi đầu cho một xu hướng, bạn chắc chắn sẽ có rất nhiều lợi thế cạnh tranh.
Phân khúc theo xã hội học (Socialgraphics Segmentation)
Socialgraphics Segmentation là cách phân chia khách hàng dựa trên các nhóm, các cộng đồng mà đối tượng kết nối, chia sẻ và ảnh hưởng lẫn nhau. Chẳng hạn: Nhóm những người thích đọc sách, nhóm những người thích ăn cơm nhà, nhóm những người học thiền tại nhà, v.vv. Do ít nhiều có sự kết nối nên hành vi, nhu cầu và sở thích mua sắm của các khách hàng này cũng tương đối giống nhau. Doanh nghiệp có thể dựa trên số liệu phân tích này để phát triển thị trường ngách.
Quy trình phân khúc thị trường
Muốn thực hiện phân khúc thị trường hiệu quả, bạn không những cần hiểu rõ segmentation là gì mà còn cần biết quy trình để làm việc đó khoa học, tiết kiệm nguồn lực nhất. Quá trình phân khúc thị trường nên gồm các bước sau:
- Bước 1: Xác định rõ mục tiêu, vấn đề mà doanh nghiệp cần giải quyết. Doanh nghiệp muốn cải thiện khía cạnh nào? Doanh nghiệp có ý định mở rộng tệp khách hàng ở thời điểm hiện tại hay không? v.vv.
- Bước 2: Xác định được đặc điểm, thế mạnh của sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp là gì?
- Bước 3: Lựa chọn thực hiện các loại market segmentation nào?
- Bước 4: Thu thập, tổng hợp dữ liệu thành bảng đánh giá phân khúc hoàn chỉnh.
Như vậy, bài viết đã mang đến bạn đầy đủ thông tin về segmentation là gì? Bên cạnh đó cũng cung cấp thông tin về vai trò và các loại segmentation phổ biến hiện nay. Có thể nói, trong hoạt động marketing nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung, nghiên cứu phân khúc khách hàng là bước cực kỳ quan trọng bởi nó đặt nền móng cho doanh nghiệp đi đúng hướng và đi lâu dài trên thị trường. Để đọc thêm các bài viết hữu ích khác, hãy click vào mục Chia sẻ kinh nghiệm của Viecmarketing.com. Ngoài ra, muốn tìm kiếm việc làm marketing và hàng ngàn công việc hấp dẫn ở mọi lĩnh vực, đừng quên truy cập TopCV.vn ngay bạn nhé!
>> Tìm hiểu thêm: Unique Selling Point (USP) Là Gì? Top USP Của Các Thương Hiệu Lớn