Thi thoảng khi đi dạo phố, đi mua sắm tại các siêu thị hay trung tâm thương mại bạn sẽ bắt gặp một số chương trình dùng thử sản phẩm. Đây là ví dụ điển hình về Sampling trong hoạt động Marketing. Vậy cụ thể Sampling là gì? Vai trò của Sampling trong Marketing ra sao? Tham khảo những Kiến thức Marketing được chia sẻ trong bài viết dưới đây của ViecMarketing.vn để có câu trả lời cụ thể nhé.
Sampling là gì?
Sampling là làm gì? Sampling có thể hiểu là hoạt động doanh nghiệp cho khách hàng dùng thử các sản phẩm miễn phí. Đây là chiến thuật Marketing có thể mang đến cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, tăng doanh thu lợi nhuận đồng thời gia tăng trải nghiệm của khách hàng.
Vai trò của Sampling trong Marketing
Không phải ngẫu nhiên hiện nay nhiều doanh nghiệp đều thực hiện chiến dịch phát hàng dùng thử cho khách hàng. Vậy ý nghĩa của hoạt động này là gì? Doanh nghiệp nhận được lợi ích như thế nào?
Cho khách hàng cơ hội trải nghiệm
Khi được nhận sản phẩm dùng thử, khách hàng không những quan sát bằng mắt mà còn trực tiếp dùng và cảm nhận. Nhờ vậy họ có thêm những trải nghiệm thực tế về sản phẩm, có thêm ý kiến chính xác có nên mua hàng của doanh nghiệp không.
Tạo dựng niềm tin, khẳng định thương hiệu
Khách hàng ngày càng thông thái hơn, họ cũng khắt khe hơn khi đứng trước bất kỳ sản phẩm nào. Do vậy khi được dùng thử sản phẩm họ sẽ có được những cảm nhận ban đầu về sản phẩm hơn nữa cũng có thể lắng nghe ý kiến của những khách hàng khác về sản phẩm. Vì thế Sampling cũng giúp doanh nghiệp tạo được lòng tin và ấn tượng tích cực cho khách hàng.
>>> Xem thêm: Tiếp Thị Liên Kết Là Gì? Có Thể Kiếm Tiền Từ Affiliate Marketing Không?
Thúc đẩy khách hàng mua sắm
Khi được trực tiếp dùng thử sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp khách hàng sẽ càng tin tưởng hơn vào cảm nhận của mình. Hơn nữa, quyết định của khách hàng cũng chịu ảnh hưởng bởi lời giới thiệu của bạn bè, người thân.
Sampling giống như một công cụ hiệu quả của marketing truyền miệng, những người từng dùng sản phẩm giới thiệu cho những người mới, như vậy khách dùng thử đã trở thành khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp.
Tối ưu chi phí quảng cáo
Chi phí để quảng cáo tại các kênh Digital khá đắt đỏ vì độ cạnh tranh giữa các thương hiệu ngày càng lớn. Tuy nhiên nếu sử dụng chiến thuật Sampling doanh nghiệp không cần đầu tư quá nhiều. Chỉ cần cử một đội marketing giới thiệu mẫu dùng thử tới khách hàng là có thể tiếp cận rất nhiều người và cũng thu về những thành quả ấn tượng.
Trực tiếp lắng nghe và đối thoại với khách hàng
Với những sản phẩm dùng thử ngay tại quầy ví dụ đồ ăn doanh nghiệp sẽ được lắng nghe những phản hồi trực tiếp về sản phẩm. Đây cũng là những thông tin hữu ích để doanh nghiệp điều chỉnh, phát triển sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu khách hàng.
Các hình thức của Sampling
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các hình thức Sampling dưới đây:
Face to Face
Chắc hẳn bạn đã từng thấy các quầy dùng thử sản phẩm ở các trung tâm thương mại, siêu thị, những nơi có đông người qua lại. Sử dụng hình thức này giúp doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều khách hàng mục tiêu đồng thời còn trực tiếp quan sát thái độ, lắng nghe ý kiến của khách hàng về sản phẩm.
Để hình thức Sampling này phát huy hiệu quả doanh nghiệp có thể tăng độ nhận diện thương hiệu bằng cách trưng bày thêm ở khu dùng thử sản phẩm standee hấp dẫn hoặc hình ảnh về mini game, trúng thưởng,…
>>> Xem thêm: Tiếp Thị Là Gì? Marketing Có Phải Là Tiếp Thị Không?
Door to Door
Đây là hình thức phát mẫu dùng thử do chính nhân viên của doanh nghiệp thực hiện, đến gõ cửa từng nhà để giới thiệu, cung cấp sản phẩm dùng thử cho khách hàng mục tiêu. Phương pháp này cho phép doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, là cơ hội để xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
Tuy nhiên hình thức tiếp thị này tương đối tốn kém nhất là khi doanh nghiệp muốn tiếp cận tệp khách hàng lớn. Nhân sự tham gia vào nhiệm vụ này cũng cần có khả năng giao tiếp tốt, có trình độ chuyên môn và sức khỏe ổn định.
Online sampling
Online sampling cho phép khách hàng đăng ký dùng thử sản phẩm online. Sử dụng hình thức này doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí như tiền thuê mặt bằng, nhân viên tiếp thị,… Ngoài ra hình thức này cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận với nhiều khách hàng mục tiêu và còn có thể thu thập nhiều thông tin về khách hàng.
Hình thức Online sampling có thể phù hợp với nhiều lĩnh vực nhất là các sản phẩm mang tính nhạy cảm khách hàng không muốn nhận ở nơi đông người.
Dù có khá nhiều ưu điểm nhưng khi sử dụng hình thức tiếp thị này doanh nghiệp không thể quan sát phản ứng của khách hàng khi thấy hoặc sử dụng sản phẩm.
Những khó khăn khi triển khai Sampling Marketing
Quá trình triển khai Sampling Marketing doanh nghiệp có thể gặp phải những khó khăn sau đây:
- Sản phẩm dùng thử có thể mang đến cho khách hàng những ấn tượng ban đầu rất tốt khiến họ sử dụng các sản phẩm khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu họ có được trải nghiệm tiêu cực các sản phẩm khác của doanh nghiệp họ cũng không muốn dùng nữa. Hơn nữa so với một trải nghiệm tích cực thì khi gặp phải trải nghiệm tiêu cực khách hàng sẽ càng chia sẻ nhiều hơn đến những người xung quanh.
- Rất nhiều khách hàng có tâm lý e ngại khi dùng thử sản phẩm mới vì họ không biết sản phẩm đang dùng có thể đáp ứng nhu cầu của bản thân không, không biết sản phẩm có gặp phải vấn đề gì bất thường không?
- Hoạt động thu thập phản hồi của khách hàng cũng là một khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt khi triển khai Sampling Marketing, nhất là khi áp dụng các hình thức không thể quan sát và tương tác trực tiếp.
- Ngoài ra doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một số vấn đề khác như: nguồn nhân lực, chi phí, sự cạnh tranh từ đối thủ,… nhất là khi doanh nghiệp đưa ra sản phẩm chính thức chậm hơn phía đối thủ.
>>> Xem thêm: Phân biệt kênh phân phối trực tiếp và gián tiếp. Kênh nào tốt hơn
Với những thông tin trên đây chắc hẳn các bạn đã hiểu rõ Sampling là gì cũng như vai trò của Sampling đối với hoạt động Marketing của doanh nghiệp. Ngoài ra nếu muốn tham khảo các thông tin hữu ích hay việc làm ngành Marketing đừng quên theo dõi Blog Marketing thường xuyên để cập nhật nhé.