Trong bối cảnh các vấn đề môi trường được đề cao hiện nay thì Green Marketing xuất hiện như một lẽ tất yếu. Trong bài viết trong chuyên mục chia sẻ kinh nghiệm này, hãy cùng Viecmarketing.com tìm hiểu Marketing xanh là gì và đâu là những thông tin cần biết về Marketing xanh nhé!
Marketing xanh là gì? Lợi ích của Marketing xanh
Ở phần đầu tiên của bài viết này, hãy cùng tìm hiểu Marketing xanh là gì và đem lại những lợi ích nào cho doanh nghiệp.
Khái niệm Marketing xanh là gì?
Marketing xanh hay Green Marketing là hoạt động truyền thông, quảng bá cho một sản phẩm, dịch vụ dựa trên các yếu tố thân thiện với môi trường. Đây là hình thức Marketing ngày một phổ biến khi đa số người dùng đều đã dần có ý thức về việc bảo vệ môi trường, duy trì sự phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp có thể ứng dụng Green Marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình theo nhiều cách khác nhau như sử dụng nguyên vật liệu tái chế, giảm/cắt bỏ việc dùng bao bì nhựa, sử dụng bao bì tái chế hoặc dễ phân hủy, v.v..
Lợi ích của Marketing xanh là gì?
Marketing xanh hướng tới thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, vì thế khi áp dụng phương pháp này có thể đem lại một số lợi ích nhất định cho doanh nghiệp:
- Thể hiện sự hợp tác, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng;
- Xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng;
- Thu hút khách hàng mới, nâng cao nhận thức của khách hàng;
Ngoài ra, các công ty áp dụng thành công Green Marketing cũng dễ dàng thu hút các nhà đầu tư có trách nhiệm, đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài.
>>> Xem thêm: Nằm lòng 5 bước trong quy trình nghiên cứu marketing chuẩn
5 nhân tố cốt lõi của chiến lược Marketing xanh
Sau khi đã hiểu Marketing xanh là gì và có lợi ích ra sao, giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về 5 nhân tố quan trọng trong chiếc lược Marketing xanh là gì!
Thiết kế xanh
Nhân tố đầu tiên trong một chiến lược Marketing xanh chính là thiết kế xanh. Có những thiết kế xanh giúp định vị thương hiệu của bạn trong mắt khách hàng, giúp tạo dựng chỗ đứng trong tâm trí của họ.
Bởi vậy, trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ trong chiến lược Green Marketing, hãy luôn nhớ những ký hiệu nhỏ thể hiện sản phẩm xanh để gây ấn tượng với khách hàng. Ngoài ra, chất liệu bao bì thân thiện với môi trường hay các nhãn tái chế, nhãn sinh thái cũng là điều mà các doanh nghiệp có thể chủ động nghiên cứu và áp dụng.
Định vị thương hiệu xanh
Yếu tố cốt lõi tiếp theo của một chiến lược Marketing xanh chính là định vị thương hiệu, thông qua chiến dịch đó cần cho người tiêu dùng thấy được các giá trị bền vững và đặt lòng tin vào doanh nghiệp, tin tưởng thương hiệu đang thật sự quan tâm đến vấn đề môi trường.
Để một sản phẩm có thể định vị được thương hiệu xanh, doanh nghiệp cần có những chứng nhận môi trường, hợp tác với các tổ chức môi trường, tổ chức cộng đồng. Khi đó, thương hiệu của bạn sẽ tạo được sự khác biệt so với đối thủ, thu hút được nhiều khách hàng. Qua đó, người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận diện được doanh nghiệp thông qua sản phẩm của doanh nghiệp đó.
>>> Xem thêm: USP là gì? Bí quyết tạo USP thành công cho thương hiệu
Chiến lược giá cả thân thiện
Sản phẩm, dịch vụ xanh của doanh nghiệp ngoài việc thân thiện với môi trường thì cũng cần giúp người tiêu dùng tiết kiệm. Ví dụ, các doanh nghiệp buôn bán ô tô thường quảng cáo sản phẩm của mình giúp tiết kiệm nhiên liệu và thải ra ít chất độc hại hơn các thương hiệu khác.
Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm tới tính bền vững, vì vậy điều này sẽ đánh được đúng vào mong muốn của họ. Họ nhận thức được việc lựa chọn sản phẩm của bạn cho phép họ tiết kiệm tiền và tài nguyên, đảm bảo được cuộc sống của họ một cách lâu dài và góp phần xây dựng cộng đồng.
Hoạt động logistic xanh
Trong chiến lược Marketing xanh thì Logistics xanh là một trong những hoạt động quan trọng giúp giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Từ quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ, các doanh nghiệp cần áp dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại nhưng đảm bảo ít gây hại tới môi trường, giảm thiểu lượng rác thải, xây dựng hệ thống lọc nước, lọc không khí, v.v..
Và như đã đề cập ở trên, doanh nghiệp cũng cần chú trọng tới bao bì đóng gói và vận chuyển sản phẩm. Những hành động cụ thể và thiết thực trong chuỗi hoạt động Logistics sẽ tạo dựng được niềm tin từ khách hàng, thể hiện nỗ lực và tầm nhìn của doanh nghiệp trong quá trình “xanh hóa” thương hiệu.
Vòng đời của sản phẩm thân thiện với môi trường
Hiểu rõ Marketing xanh là gì sẽ đảm bảo được mọi khía cạnh liên quan tới môi trường đều cần được chú trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm. Vì thế, ngay cả việc sản phẩm của bạn sẽ được tái chế như thế nào, vứt đi ở đâu cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Các hoạt động tiêu hủy không bền vững có thể gây hại tới môi trường và sức khỏe con người trong hàng trăm năm tiếp theo.
Vòng đời sản phẩm thân thiện với môi trường mà doanh nghiệp cần quan tâm chính là quy tắc 3R (Reduce – Reuse – Recycle: Giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế). Reduce ở đây nghĩa là doanh nghiệp giảm thiểu lượng nguyên liệu sản xuất, giảm bớt lượng rác thải ra môi trường. Reuse tức là sản phẩm của doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều lần, bao bì cũng sử dụng được nhiều lần. Recycle nghĩa là sản phẩm đó có thể tái chế thành sản phẩm khác có thể sử dụng được, giúp giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường.
Ví dụ về Marketing xanh trong thực tế
Để hiểu rõ hơn bản chất Marketing là gì, hãy cùng tìm hiểu một số ví dụ về Marketing xanh trong thực tế.
Ví dụ đầu tiên là các thương hiệu, siêu thị đã áp dụng quy định thu phí khi khách hàng mong muốn dùng túi nilon, không cung cấp bao bì nhựa cho khách hàng hoặc chuyển sang hình thức túi vải có thể tái sử dụng nhiều lần. Điển hình cho hoạt động này có thể kể đến như Tops Market (BigC cũ), hệ thống TokyoLife, v.v..
Ví dụ thứ hai cũng khá nổi tiếng khác là thương hiệu mỹ phẩm Cocoon với thông điệp mỹ phẩm thuần chay, hoàn toàn không sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ động, phản đối hoạt động thử nghiệm trên động vật.
Thương hiệu Green Toys của Hoa Kỳ cũng đã có một chiến lược Marketing xanh bằng việc sử dụng 100% vật liệu có thể tái chế để tạo ra sản phẩm đồ chơi cho trẻ em. Công ty tin rằng để một đứa trẻ lớn lên hạnh phúc và khỏe mạnh thì cần cung cấp một môi trường lành mạnh, đó chính là bảo vệ và chăm sóc hành tinh của chúng ta một cách tốt nhất.
Thương hiệu bột ngọt và gia vị Ajinomoto Việt Nam cũng đang triển khai chiến lược xanh với mục tiêu “không phát thải” đối với khí thải, nước thải và các chất thải rắn trong nhiều hoạt động sản xuất. Công ty xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công nghệ xử lý Nitơ sinh hoạt. Mục tiêu của họ là đến năm 2030 có thể chấm dứt việc xả thải nhựa ra môi trường của thương hiệu.
Trên đây là một số ví dụ về việc các doanh nghiệp xây dựng chiến lược Marketing xanh, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần mình trong những hành động vì môi trường của toàn nhân loại.
>>> Có thể bạn quan tâm: Nghiên cứu thị trường là gì? Vai trò và phương pháp thực hiện
Các phương thức triển khai Marketing xanh
Hạn chế sử dụng bao bì nhựa
Một trong những phương thức triển khai Marketing xanh phổ biến hiện nay là hạn chế việc sử dụng bao bì nhựa trong kinh doanh và buôn bán. Các thương hiệu dần thay đổi bao bì nilon sang các loại bao bì thân thiện với môi trường hơn như là giấy tái chế, vải, nguyên liệu sinh học, v.v.. Ví dụ điển hình cho việc áp dụng phương thức này đó là tại các quán cafe, trà sữa hiện nay các đơn hàng take away đã dần sử dụng cốc giấy, ống hút giấy thay cho cốc nhựa và ly nhựa.
Sáng tạo sản phẩm có thể tái chế
Hình thức tiếp theo được nhiều thương hiệu lựa chọn cho chiến lược Marketing xanh đó là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có thể tái chế được, giúp hạn chế lượng rác thải ra môi trường. Ví dụ điển hình có thể kể đến REshare với hoạt động thu gom quần áo và tạo những vật phẩm mới từ quần áo cũ như ruột gối, ổ cho thú cưng, v.v.. hoặc chiến dịch kêu gọi khách hàng mang pin đã sử dụng tới Cocoon để đổi miễn phí sản phẩm của họ.
Lựa chọn vật liệu tái chế cho sản phẩm
Việc lựa chọn vật liệu tái chế để tạo ra sản phẩm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách đáng kể, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được phần nào chi phí trong việc xử lý rác thải ra môi trường. Vì vậy, nhiều thương hiệu thời trang hiện nay đã đưa ra những sản phẩm từ chất liệu thân thiện với môi trường như áo polo từ bã Cafe của Yody, TokyoLife, áo khoác từ vải tái chế của UNIQLO, v.v..
Quan tâm đến các hoạt động xử lý rác thải
Một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình chung tay bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đó chính là việc xử lý chất thải sau sản xuất đúng cách. Đây là điều mà các doanh nghiệp luôn mong muốn làm được dù gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Ví dụ, Ajinomoto đang thực hiện quá trình xử lý chất thải an toàn nhằm bảo vệ tài nguyên nước và giảm thiểu chất thải rắn, khí.
Hạn chế các hoạt động phát tờ rơi quảng cáo
Việc phát tờ rơi quảng cáo, in ấn phướn, băng rôn quảng cáo là những cách Marketing hiệu quả được nhiều doanh nghiệp sử dụng. Tuy nhiên, đây là hoạt động ảnh hưởng tới môi trường bởi lượng gỗ sản xuất giấy, lượng năng lượng cần dùng để in ấn cũng là khá lớn. Vì thế, nhiều giải pháp Digital Marketing hiện nay đã và đang được áp dụng để giảm thiểu việc in ấn truyền thống có thể kể đến như email marketing, affiliate marketing, social marketing, mobile marketing, v.v..
>>> Xem thêm: Email Marketing là gì? Tầm quan trọng của Email Marketing
Sự khác biệt giữa Marketing xanh và Marketing truyền thống
Vậy trên thực tế đâu là điểm khác biệt giữa Marketing truyền thống và Marketing xanh là gì? Có 3 yếu tố có thể dễ dàng nhận thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa hai hình thức Marketing này đó là đối tượng tiếp cận, mục tiêu của chiến dịch và phương thức triển khai.
Đối tượng tiếp cận
Marketing truyền thống hướng tới những tệp khách hàng trong phạm vi hẹp, có thể chỉ nằm tại địa phương cụ thể, bằng cách phương pháp quen thuộc như băng rôn, tờ rơi, banner quảng cáo. Trong khi đó, Marketing hiện đại nói chung sẽ tiếp cận được tới nhiều đối tượng hơn thông quan Internet và Marketing xanh nói riêng sẽ tiếp cận được nhiều người có cùng mối quan tâm về môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, duy trì phát triển bền vững.
Mục tiêu chiến dịch
Nếu mục tiêu của Marketing truyền thống là quảng bá thương hiệu, tiếp thị sản phẩm tới càng nhiều người càng tốt thì Marketing lại có nhiều mục đích hơn thế. Marketing xanh còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, với các vấn đề xã hội, góp sức mình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng. Đây là mục tiêu có phần cao cả hơn, giúp doanh nghiệp vừa có thể đưa được sản phẩm tới với nhiều khách hàng, vừa xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người tiêu dùng hiện nay.
Phương thức triển khai
Các phương thức triển khai Marketing truyền thống phổ biến đó là thông qua biển quảng cáo, danh thiếp, tờ rơi hoặc lên sóng truyền hình. Trong khi đó, Marketing xanh lại hạn chế việc in ấn và phát hành ấn phẩm vật lý mà thay vào đó là các ấn phẩm phi vật lý, trực tuyến như SMS, email marketing, video ads, social media, v.v.. Các cách thức triển khai này vừa phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, vừa hạn chế lượng rác thải khổng lồ từ việc in ấn và phát hành ấn phẩm vật lý.
>>> Xem thêm: Sự Khác Nhau Của Digital Marketing Và Marketing Truyền Thống
Kết luận
Con người ngày càng quan tâm tới các vấn đề môi trường nên việc các doanh nghiệp chú trọng vào Marketing xanh là điều tất yếu, đem tới những giá trị bền vững hơn cho cộng đồng. Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ Marketing xanh là gì và các ví dụ dễ hiểu về phương pháp này. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn. Ngoài ra, nếu bạn đang tìm kiếm công việc trong ngành Marketing, truyền thông, hãy truy cập TopCV.vn để ứng tuyển kho việc làm khổng lồ nhé!