Có đến 78.3% doanh nghiệp sẽ cần từ 1 – 3 nhân viên Content Marketing trong năm tới (theo Upland). Vậy, Content Marketing là gì và làm gì? Lộ trình thăng tiến như thế nào? Hãy cùng Viecmarketing.com tìm hiểu trong bài viết chia sẻ kinh nghiệm dưới đây nhé.
Content Marketing – nghề xu hướng 2023
Nhân viên Content Marketing là người đảm nhiệm vị trí sáng tạo các nội dung hữu ích để cung cấp cho khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp. Những nội dung được sáng tạo phải giải quyết được vấn đề của khách hàng, tạo ra nền tảng niềm tin với khách hàng về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Từ đó giúp thúc đẩy và tạo ra chuyển đổi mục tiêu mong muốn.
Ngành “công nghiệp” Content Marketing được dự đoán đang có xu hướng bùng nổ hơn bao giờ hết, bởi theo thống kê từ Technavio, vào năm 2024, trị giá của ngành có thể lên đến 600 tỷ đô la. Bên cạnh đó, sự đa dạng về hình thức nội dung như Video, Hình ảnh,… đã giúp ngành nghề này được mở rộng hơn về cơ hội việc làm của mình.
Bên cạnh đó, báo cáo từ Digital Marketer cũng cho biết, có đến 89% các doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng và tiếp tục tăng ngân sách để tuyển dụng vị trí này trong năm 2022. Một cuộc khảo sát khác của Semrush cho biết, 73% các công ty sẽ đã chi tiêu từ 10% – 70% ngân sách cho các hoạt động tiếp thị nội dung và rất thành công.
Lộ trình thăng tiến của Content Marketing
Khi bắt đầu với sự nghiệp Content Marketing, bên cạnh trở thành một nhân viên bình thường, bạn có thể trau dồi và phát triển lên các vị trí cao hơn như giám đốc nội dung và cao hơn là CMO – giám đốc marketing. Hãy cùng tham khảo lộ trình thăng tiến của vị trí này nhé:
Content Marketing Intern – Bước khởi đầu
Content Intern thường là vị trí đầu tiên mà nhiều bạn sẽ bắt đầu với nghề này. Ở vị trí Content Intern, bạn sẽ chưa cần quá nhiều kỹ năng chuyên môn. Thay vào đó, bạn cần có những kỹ năng cơ bản để hỗ trợ cho các nhân viên content khác. Nhiệm vụ của vị trí này bao gồm:
- Hỗ trợ thực hiện các nội dung cho chiến dịch marketing của doanh nghiệp.
- Phân phối nội dung trên các kênh marketing theo hướng dẫn của nhân viên Content Marketing.
- Chuẩn bị các nội dung để chạy quảng cáo, thực hiện các post daily hàng ngày trên các kênh mạng xã hội.
- Tham gia hỗ trợ thực hiện các sự kiện theo kế hoạch của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ các công việc khác theo yêu cầu.
Vị trí Intern tại các doanh nghiệp thường sẽ không có mức lương cố định mà thay vào đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp các khoản phụ cấp hỗ trợ cho nhân viên giai đoạn học việc này. Thường khoản hỗ trợ từ 2 – 5 triệu đồng/tháng.
>>> Xem thêm: Bộ câu hỏi tuyển dụng Content Marketing thường gặp nhất
Nhân viên Content Marketing – Giai đoạn tích lũy
Tùy thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, nhân viên Content Marketing sẽ có những nhiệm vụ khác nhau trong công việc của mình. Tuy vậy, nhìn chung họ sẽ thực hiện những nhiệm vụ như sau;
- Nhận các yêu cầu về sáng tạo, sản xuất nội dung từ các phòng ban liên quan. Chủ yếu sẽ làm việc theo sự phân công của quản lý trực tiếp.
- Lên kế hoạch sản xuất nội dung phù hợp với yêu cầu và thời hạn cần hoàn thành.
- Đưa ra các sáng kiến về sản xuất nội dung để mang lại được hiệu quả tốt nhất cho các chiến dịch marketing, truyền thông, quảng cáo mà mình tham gia.
- Thực hiện quản lý nội dung cho website như sản xuất bài SEO, đăng bài viết lên website, thiết kế cơ bản và tối ưu cho hình ảnh trên website, theo dõi các chỉ số liên quan đến content để tối ưu bài viết.
- Thực hiện phụ trách sản xuất nội dung hàng ngày, nội dung quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Tik Tok theo kênh quảng cáo mà mình phụ trách.
- Lập các báo cáo công việc liên quan theo yêu cầu của quản lý và ban giám đốc.
Mức lương của vị trí này trung bình tham khảo theo khảo sát của Vietnamwork khoảng 11.3 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến từ 9.3 – 13.9 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 4 triệu đồng/tháng và mức lương cao nhất là 46.4 triệu đồng/tháng.
>>> Xem thêm: Content Marketing là gì? Mô tả công việc của nhân viên Content Marketing
Nhân viên SEO/quảng cáo – Phát triển mở rộng
Sau giai đoạn tích lũy, nhân viên Content Marketing có thể lựa chọn phát triển mở rộng hoặc phát triển theo chiều sâu cho công việc của mình. Đối với hướng phát triển mở rộng, bạn có thể lựa chọn trở thành những vị trí phổ biến khác như sau:
Nhân viên SEO Marketing
Nhân viên SEO Marketing là những người sẽ đảm nhiệm vai trò thực hiện SEO – tối ưu hóa công cụ tìm kiếm cho các nền tảng website của doanh nghiệp hoặc dự án nào đó. Họ sẽ cần lên các kế hoạch, chiến lược SEO phù hợp và thực thi, kiểm soát và tối ưu hoạt động SEO. Mức thu nhập của nhân viên SEO trung bình khoảng 14.3 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến từ 12.5 – 15 triệu đồng/tháng.
Nhân viên chạy quảng cáo
Vị trí này còn có tên gọi khác như chuyên viên chạy quảng cáo, nhân viên quảng cáo Facebook Ads, Google Ads,… Họ sẽ là những người thực hiện chạy quảng cáo các nội dung đã được sản xuất để phân phối chúng đến nhóm người dùng mục tiêu. Nhân viên chạy quảng cáo sẽ có những nhiệm vụ như lên campaign, sản xuất nội dung, hình ảnh,… Mức thu nhập trung bình tham khảo của vị trí này bao gồm 14.4 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến từ 11.6 – 17.4 triệu đồng/tháng.
Nhân viên truyền thông – sự kiện
Nhân viên truyền thông sẽ thực hiện các công việc có liên quan đến hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu, dịch vụ của doanh nghiệp. Họ sẽ thực hiện sáng tạo ra những kế hoạch, các chương trình sự kiện để thu hút sự quan tâm của khách hàng hoặc những đối tượng mục tiêu. Mức thu nhập trung bình của vị trí này khoảng 12.4 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến dao động khoảng 13.9 – 17.4 triệu đồng/tháng.
Leader Content Marketing – Phát triển theo chiều sâu
Leader Content Marketing là người phụ trách quản lý các hoạt động liên quan đến Content Marketing – sản xuất nội dung của doanh nghiệp, bao gồm tất cả các nền tảng hiện có. Bên cạnh đó, Leader Content Marketing cũng chịu trách nhiệm liên quan đến vấn đề nhân sự của bộ phận content như tuyển dụng, đào tạo, đánh giá năng lực,…
Với vị trí này, mức lương trung bình tham khảo mà bạn có thể nhận được khoảng 18 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến từ 17.4 – 20.9 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 5 triệu đồng, mức lương cao nhất khoảng 34.8 triệu đồng/tháng.
Giám đốc nội dung – Phát triển theo chiều sâu
Giám đốc nội dung là người chịu trách nhiệm và có vai trò thực hiện, giám sát các chiến lược nội dung của doanh nghiệp. Họ cần có tầm nhìn sáng tạo, kỹ năng cộng tác, khả năng hiểu và làm việc với các bên liên quan cũng như khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh cho vai trò này.
Trong một số doanh nghiệp, vị trí này sẽ tương tự với các giám đốc sáng tạo. Cụ thể, một giám đốc nội dung có thể thực hiện những nhiệm vụ như sau:
- Triển khai chiến lược nội dung, cung cấp nội dung chất lượng cao từ ý tưởng đến sản xuất.
- Làm việc với các công cụ hỗ trợ cho việc phát triển chiến lược nội dung cho doanh nghiệp.
- Tìm hiểu, phân tích các yếu tố liên quan đến trải nghiệm người dùng và khả năng sử dụng, khả năng truy cập, viết cho web và đáp ứng nhu cầu của người dùng bằng nội dung.
- Hợp tác với các nhóm khác, chẳng hạn như dữ liệu, nhóm nhân viên marketing khác.
- Quản lý các bên liên quan và xây dựng mối quan hệ – bên trong và bên ngoài.
- Quản lý nhân sự – hỗ trợ tuyển dụng, giám sát, đào tạo và cố vấn cho các thành viên trong nhóm.
Với vị trí Giám đốc nội dung này, mức lương trung bình tham khảo mà bạn có thể nhận được khoảng 27 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến từ 20.9 – 26.1 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 10 triệu đồng, mức lương cao nhất khoảng 52.2 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Marketing – Phát triển theo chiều sâu
Giám đốc Marketing là người điều hành, lãnh đạo toàn bộ những hoạt động hoặc bất kỳ vấn đề gì liên quan đến marketing của doanh nghiệp. Ở một số doanh nghiệp, Marketing Manager cũng có thể đảm nhiệm luôn vị trí CMO tại đó. Họ sẽ là người định hướng, dẫn dắt cho bộ phận marketing thực hiện các nhiệm vụ đúng đắn để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. Cụ thể, vị trí này sẽ thực hiện những công việc sau:
- Đưa ra các kế hoạch, chiến lược liên quan đến hoạt động marketing, quảng cáo, truyền thông,… để phát triển thương hiệu của doanh nghiệp một cách tốt nhất.
- Quản lý và phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động marketing, truyền thông quảng cáo.
- Xây dựng các mục tiêu, chỉ số KPI cho bộ phận marketing.
- Làm việc với các đối tác bên ngoài, các phòng ban nội bộ để đảm bảo cho hoạt động marketing được diễn ra suôn sẻ nhất có thể.
- Phối hợp cùng bộ phận nhân sự thực hiện công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho bộ phận marketing.
Với vị trí giám đốc Marketing, mức lương trung bình tham khảo mà bạn có thể nhận được khoảng 36.1 triệu đồng/tháng. Dải lương phổ biến từ 28.8 – 42 triệu đồng/tháng. Mức lương thấp nhất là 10 triệu đồng, mức lương cao nhất khoảng 150.8 triệu đồng/tháng.
Bí quyết để thăng tiến khi làm Content Marketing
Một cuộc khảo sát đã được Content Marketing World thực hiện với các content leader về kỹ năng, nền tảng mà họ cho rằng sẽ quan trọng với nhân viên Content Marketing. Trong đó nổi bật có những kỹ năng và nền tảng như sau:
- Luôn có sự tò mò, học hỏi để thúc đẩy người sáng tạo nội dung có thể tìm hiểu – thấu hiểu khán giả của mình hơn (Deanna Ransom – CEO tại Women in Revenue).
- Xây dựng quan điểm báo chí dựa vào các kỹ năng phỏng vấn, viết và tái hiện lại câu chuyện của mọi người (Amy Fair – Content Marketing manager tại SpyCloud).
- Rèn luyện tốt tư duy chiến lược và phân tích dữ liệu để biết được nội dung của bạn sẽ hoạt động như thế nào trên các nền tảng mà bạn phân phối (Andrea Fryrear – CEO tại Agile Sherpas).
- Luôn tạo ra sự sắc nét cho nội dung của bạn.
- Có khả năng hiểu công nghệ và sử dụng các công nghệ hỗ trợ cho công việc của mình.
- Cần có sự đồng cảm tốt, linh hoạt và tính thích nghi cao và không ngừng đầu tư vào kỹ năng content của mình.
Hy vọng với bài viết chia sẻ kinh nghiệm ngày hôm nay, bạn sẽ hiểu hơn về Content Marketing và lộ trình thăng tiến của vị trí này như thế nào. Bên cạnh đó, nếu bạn đang quan tâm đến những cơ hội việc làm với các vị trí nói trên, hãy truy cập ngay TopCV.vn để tiếp cận với những tin tuyển dụng hấp dẫn hơn nhé.
>>> Xem thêm: Content freelancer là gì? Cách để trở thành content freelancer?